Sơ lược về loop trong chỉnh răng

29 tháng 10 năm 2020

Loop được sử dụng rất phổ biến trong chỉnh răng, không chỉ để đóng khoảng nhổ mà còn được sử dụng để làm thẳng hàng răng hay thực hiện những dịch chuyển nhỏ.
Mặc dù hệ thống dây thẳng và sử dụng kỹ thuật đóng khoảng theo cơ chế trượt được nhiều bác sĩ sử dụng do tính tiện lợi của nó, sử dụng loop giúp chúng ta kiểm soát được hệ thống lực tác động chính xác hơn, và bởi không có lực ma sát (thành phần không xác định tĩnh được), hệ thống lực tác động lên răng hoàn toàn có thể xác định được qua các loop với các thông số cụ thể (hình dạng, vật liệu, kích thước và vị trí đặt và mức độ kích hoạt).
Sau đây là một số khái niệm cơ bản về loop và các cách thay đổi cấu hình loop. Những ứng dụng cụ thể sẽ được trình bày trong thời gian tới.


1 - Khái niệm về loop trong chỉnh răng

Loop có thể coi là là sự uốn lại, bẻ cong của một đoạn dây chỉnh răng, có tác dụng làm thay đổi độ cứng của dây, dẫn đến thay đổi hệ thống lực khi sử dụng


Teardrop loop đóng khoảng
Teardrop loop đóng khoảng

Ngoài các loop có tác dụng đóng khoảng, còn có các loại loop khác giúp làm thẳng hàng răng hoặc gây nên những dịch chuyển răng đơn lẻ.

Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến loop để đóng khoảng do dạng loop này được sử dụng phổ biến.


2 - Hai loại cơ chế đóng khoảng

Nếu phân loại đóng khoảng trong chỉnh răng dựa vào sự tồn tại của lực ma sát giữa mắc cài và dây cung thì có 2 loại cơ chế đóng khoảng:

  • Đóng khoảng cơ chế trượt: có tồn tại lực ma sát giữa dây cung và mắc cài.

  • Đóng khoảng bằng loop: không có lực ma sát giữa dây cung và mắc cài; đoạn dây cung dịch chuyển cùng với mắc cài.



3 - Các ưu điểm của đóng khoảng bằng loop

Sử dụng loop có một số ưu điểm như:

  • Hệ thống lực có thể tính toán được: xác định được lực cụ thể lên răng hay một nhóm răng, do hệ thống lực của các cấu hình loop đã được xác định trên thực nghiệm và không bị ảnh hưởng bởi lực ma sát (không đo đạc cụ thể được).

    Ví dụ: teardrop loop với chiều cao 8mm, sử dụng dây 0.019x0.025 in, kích hoạt 1mm, ở vị trí giữa hai mắc cài, tạo một lực 277 gram lên mỗi nhóm răng ở hai bên loop [1].

  • Xác định được tỷ lệ mô men/lực từ đầu (M/F).

Hiểu được tính chất của từng loại loop sẽ giúp bác sĩ chỉnh răng biết được nên sử dụng loại loop nào và thay đổi các thông số của nó để đạt được tỷ lệ M/F, và do đó đạt được sự dịch chuyển răng mong muốn (Xem thêm Các loại dịch chuyển răng và tâm xoay của răng)

Tỷ lệ mô men/lực để răng di chuyển tịnh tiến bằng khoảng cách từ mắc cái đến tâm cản của răng hay nhóm răng (Xem thêm Khái niệm tâm cản trong chỉnh răng). Tỷ lệ mô men trên lực là đại lượng biểu diễn sự dịch chuyển chân răng so với chân răng (Xem thêm Khái niệm lực và mô men lực trong chỉnh răng).

Nếu hệ thống lực được tạo ra không đủ M/F cần thiết, lực tạo ra sẽ gây nên khớp cắn sâu, cung răng cong hình cung (Hiện tượng Bowing effect sẽ được viết trong lần khác) và không thể tiếp tục đóng khoảng được nữa.


bowing effect
bowing effect

Ví dụ: để răng cửa giữa hàm trên dịch chuyển tịnh tiến ra sau, cần M/F tại vị trí mắc cài bằng khoảng 10 (mm).

Như vậy để đánh giá một hệ thống lực tạo ra bởi loop có thích hợp, đáp ứng được một dạng dịch chuyển răng theo kế hoạch hay không, 2 đặc điểm sau của loop cần được xem xét:

  • M/F của loop phải thích hợp với dạng dịch chuyển răng mong muốn, và khi cần phải đủ lớn để răng dịch chuyển được tịnh tiến.

  • Lực tạo ra bởi loop khi được kích hoạt nằm trong giới hạn chịu đựng của mô nha chu, và tốt nhất nằm trong khoảng lực tối ưu. (Thông thường loop được kích hoạt 1mm - 2mm/lần; nếu khoảng kích hoạt quá nhỏ sẽ nằm ngoài giới hạn nhận biết, nếu khoảng kích hoạt quá lớn, lực tạo ra lên hai đơn vị răng ở đầu loop quá nhiều và có thể quá mức giới hạn đàn hồi của vật liệu, dẫn đến loop bị biến dạng vĩnh viễn)


4 - Một số phương pháp thay đổi cấu hình của một dạng loop trên lâm sàng.

Với hai tiêu chuẩn đánh giá hệ thống lực tạo ra bởi loop như trên, chúng ta có thể thay đổi các thông số và cấu trúc loop để đạt được yêu cầu trên lâm sàng bằng các cách sau:

  • Thêm gable bend (V-bend) vào loop: Làm tăng tỷ lệ M/F, nhưng đồng thời làm tăng lực tác động lên răng.
Teardop loop thường và kết hợp với gable bend
Teardop loop thường và kết hợp với gable bend

Quá lực khi kết hợp với gable bend ở teardrop loop hệ thống 0.022
Quá lực khi kết hợp với gable bend ở teardrop loop hệ thống 0.022
  • Thay đổi vật liệu loop: không làm thay đổi M/F, nhưng làm thay đổi lực (lực tạo ra bởi loop bằng dây TMA nhỏ hơn gần 2 lần so với dây thép cùng kích thước)

  • Thay đổi kích thước dây : thường đi kèm với thay đổi kích thước hệ thống mắc cài; Ví dụ việc thay đổi từ hệ thống mắc cài rãnh 0.022 in xuống mắc cài rãnh 0.018 in, kích thước dây cung đóng khoảng bằng loop thay đổi từ dây 0.019 x 0.025 xuống dây 0.017 x 0.025 in.

  • Thay đổi cấu hình loop: tạo ra các dạng loop mới, có thể làm tăng M/F nhưng hình dạng phức tạp làm tăng thời gian thao tác trên ghế cũng như vấn đề vệ sinh, sự không ổn định của loop do dễ bị tác động của ngoại lực làm biến dạng và gãy vỡ, cuối cùng làm giảm sự hơp tác.

    Ví dụ: T loop có tỷ lệ M/F lớn hơn 3 trong khi M/F của teardrop loop bằng 2.8 nhưng việc bẻ T loop bên ghế răng mất nhiều thời gian hơn.

    Opus loop có M/F bằng 9.8, tức là tới ngưỡng có khả năng làm răng cửa di chuyển tịnh tiến mà trước không cần tạo gable bend. Tuy nhiên việc áp dụng lâm sàng hạn chế do hình dạng loop phức tạp và khó vệ sinh.


so sánh teardop loop và Opus loop
so sánh teardop loop và Opus loop
  • Các phương pháp khác: ngoài ra chúng ta còn có thể thay đổi loop bằng cách kết hợp các vật liệu (loop dây TMA trên dây cung chính bằng thép), loop sản xuất sẵn bằng Ni-Ti, hoặc thay đổi vị trị đặt loop.

Kết luận

Sử dụng loop để đóng khoảng là một phương tiện điều trị hiệu quả nếu chúng ta kiểm soát được hệ thống lực tạo ra bởi loop bằng cách thay đổi thông số và cấu hình loop.

Cũng vì vậy, khi sử dụng một loại loop nào, chúng ta cần hiểu rõ đặc điểm hệ thống lực được tạo ra của loop đang sử dụng để có thể thay đổi thông số cho phù hợp.

Phụ lục

Phần trên tác giả viết về tổng quan các đặc điểm của loop để chúng ta có thể mở rộng kiến thức từ nội dung chính. Trong trường hợp cụ thể, ví dụ với teardrop loop - khá phổ biến và đơn giản, các bạn có thể đọc các tài liệu sau:

  1. Coimbra MER, Penedo ND, de Gouvêa JP, Elias CN, de Souza Araújo MT, Coelho PG. Mechanical testing and finite element analysis of orthodontic teardrop loop. American Journal of Orthodontics and Dentofacial Orthopedics 2008;133(2):188.e9-188.e13.

  2. Chiang P-C, Koga Y, Tominaga J, et al. Effect of gable bend incorporated into loop mechanics on anterior tooth movement: Comparative study between en masse retraction and two-step retraction. Orthodontic Waves 2015;74(3):55–61.

  3. Sumi M, Koga Y, Tominaga J, et al. Innovative design of closing loops producing an optimal force system applicable in the 0.022-in bracket slot system. American Journal of Orthodontics and Dentofacial Orthopedics 2016;150(6):968–78.

  4. Yamaoka S, Hamanaka R, Nguyen T anh, et al. A novel and simple design of the closing loop producing optimal force magnitude and moment-to-force ratio for en-masse retraction of anterior teeth. Orthodontic Waves 2020:1–6.

  5. Techalertpaisarn P, Versluis A. Mechanical properties of Opus closing loops, L-loops, and T-loops investigated with finite element analysis. American Journal of Orthodontics and Dentofacial Orthopedics 2013;143(5):675–83.


Tham khảo


  1. Coimbra MER, Penedo ND, de Gouvêa JP, Elias CN, de Souza Araújo MT, Coelho PG. Mechanical testing and finite element analysis of orthodontic teardrop loop. American Journal of Orthodontics and Dentofacial Orthopedics 2008;133(2):188.e9-188.e13. ↩︎

Đăng nhập để bình luận